Cũng giống như miền Bắc và miền Trung, phong tục đám cưới miền Nam cũng diễn ra với ba lễ quan trọng: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Hãy cùng Thanh Hà Wedding khám phá:
Lễ dạm ngõ miền Nam
Lễ dạm ngõ của người miền Nam còn được gọi là lễ đi nói, đám nói. Lễ vật trong lễ dạm ngõ của người miền Nam thường có cặp rượu, cặp trà được gói giấy đỏ trịnh trọng, một đĩa trầu cau được têm cánh phượng và mâm ngũ quả.
Người tham dự trong lễ dạm ngõ ngoài cha mẹ chú rể còn có chú bác, những người có tiếng nói trong dòng họ. Thông thường, mẹ chú rể sẽ trình cho mẹ cô dâu tờ giấy ghi ngày sinh tháng đẻ của chú rể để xem ngày cưới hỏi hợp cho hai người.
Nghi thức lễ hỏi miền Nam
Theo truyền thống từ xa xưa của người miền Nam, lễ đám hỏi vô cùng quan trọng, và lễ vật trong lễ ăn hỏi được quan tâm đặc biệt. Mâm quả đám hỏi miền Nam thường theo số chẵn gồm 4 đến 10,12 mâm lễ tùy vào từng gia đình:
- Mâm trầu cau: Số cau là số lẻ, 105 quả, cứ mỗi quả cau lại cần 2 lá trầu, 210 lá.
- Mâm quả trà, rượu và nến: mâm lễ này thể hiện sự tôn kính của bậc con cháu đối với các vị gia tiên.
- Xôi gấc: Món xôi thể hiện sự ấm no đủ đầy, màu đỏ là lời chúc cho đôi lứa luôn sắt son bền chặt. Tùy theo lựa chọn của hai gia đình mà mâm xôi gấc có thể có thêm gà luộc hoặc chỉ có xôi và sẽ có thêm tráp heo quay riêng.
- Mâm quả Bánh Su Sê: Ở miền Nam, bánh su sê còn gọi là bánh âm dương biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời, sự gắn kết bền chặt trong đời sống vợ chồng.
- Mâm quả hoa quả: Ở miền Nam, mâm hoa quả thường có các loại quả như táo, nho, mãng cầu, đu đủ, xoài,… Mâm lễ tượng trưng cho mong muốn cuộc sống hôn nhân ngọt ngào, đầy đủ
- Khay trà rượu và Phong bì lễ: Trong tráp phải có lễ đen, là phong bì tiền nhà trai chuẩn bị để thắp hương trên bàn thờ nhà gái.
Ngoài 6 mâm quả và 1 khay đám hỏi trên, ở miền Nam, những nhà có điều kiện còn tặng cô dâu tráp quần áo. Tráp lễ này thể hiện sự quan tâm và chăm sóc của mẹ chồng đối với con dâu tương lai.
Lễ lên đèn diễn ra trong ngày lễ ăn hỏi
Chú rể khi tới nhà gái sẽ bưng một khay trầu và có cặp đèn cầy có chân to bằng hai chân đèn của nhà gái. Lúc này, trưởng họ hoặc người có cương vị cao nhất trong nhà gái sẽ thắp nhang, dâng toàn bộ lễ vật lên ban thờ tổ tiên, và thắp hai cây nến cháy đều nhau và đưa cho cô dâu, chú rể đặt hai cây đèn lên bàn thờ. Sau đó chú rể sẽ trao lễ vật cho cô dâu gồm trang sức, áo…
Lễ cưới theo phong tục cưới hỏi Miền Nam
Trong ngày cưới, đoàn nhà trai gồm có trưởng đoàn, chú rể và các ông, các bà, cô, dì, chú bác đại diện sẽ đến nhà gái để đón cô dâu về làm lễ thành hôn theo giờ đẹp đã định sẵn.
Ngay từ đầu, cô dâu vẫn ngồi trong phòng kín. Sau khi hai bên gia đình có lời phát biểu và trình lễ vật thì cha hoặc mẹ cô dâu sẽ vào dắt cô dâu ra để ra mắt quan viên hai họ và trao cho chú rể.
Sau khi làm lễ gia tiên xong, cô dâu chú rể sẽ mang trà, thuốc và trầu cau mời quan viên hai họ. Tiếp đó, cha mẹ, người thân của cô dâu sẽ trao quà làm vốn cho đôi vợ chồng trẻ, cùng với đó là những lời gửi gắm, dặn dò cho cuộc sống về sau.
Sau khi hoàn thành các thủ tục xin dâu tại nhà gái, nhà trai sẽ có lời xin phép được đón cô dâu về. Khi đi, cô dâu không được ngoái đầu nhìn lại và được mẹ chồng dẫn ra xe hoa. Thường người cha sẽ là người đưa cô dâu về nhà chồng theo tục lệ “cha đưa mẹ đón”
Mỗi vùng miền có những quy chuẩn cũng như nét khác biệt rõ ràng trong các nghi lễ của đám cưới. Vì vậy cô dâu chú rể nên có sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ càng để ngày vui của cuộc đời diễn ra thuận lợi và vui vẻ!