Phong tục bưng mâm quả cưới hỏi

Ở bài trước chúng ta đã cùng tìm hiểu cách chuẩn bị mâm quả đám cưới sao cho chu đáo, đầy đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đẹp mắt và phù hợp với phong tục tập quán của người Việt. Thế nhưng, còn một nỗi lo nữa mà cô dâu chú rể cũng cần phải quan tâm, đó là cách để trao các tráp lễ ăn hỏi đó. Hôm nay hãy tiếp tục cùng Cưới hỏi Thanh Hà tìm hiểu về phong tục bưng quả đám cưới hỏi có những gì độc đáo nhé!

1. Hình thức trao mâm quả

Mâm quả đám cưới sẽ do nhà trai chuẩn bị theo thỏa thuận của hai bên gia đình và được mang đến nhà gái trong đám hỏi. Đội bê mâm quả của nhà trai theo thứ tự sẽ trao quả cho đội bê mâm quả của nhà gái.

Các nam thanh nữ tú sẽ cùng đỡ mâm quả và đưa chúng lên bàn thờ tổ tiên nhà gái. Sau nhiều nghi lễ cúng bái, nhà gái sẽ chia lại một ít lễ vật trong các mâm quả cho nhà trai mang về theo tục lại quả trong cưới hỏi truyền thống.

2. Đội hình bê tráp nhà trai và nhà gái

Số lượng người bê tráp sẽ phụ thuộc vào số tráp lễ vật nhà trai chuẩn bị. Nếu bạn chọn lễ ăn hỏi 5 tráp sẽ cần tìm 5 chàng trai và 5 cô gái, 7 tráp sẽ là 14 người và tương tự với 9 tráp và 11 tráp. Mỗi một người nam chỉ được bê một tráp. Khi sang nhà gái, các cô gái sẽ cùng đỡ tráp với các chàng trai.

đội hình bê tráp
Đôi hình đỡ tráp thường là những trai xinh gái đẹp xứng đôi vừa lứa

Theo phong tục cưới hỏi của người Việt, các thành viên tham gia bê và đỡ tráp phải là những nam thanh nữ tú có tuổi đời nhỏ hơn hoặc bằng tuổi với cô dâu chú rể.

Về phía nhà trai, những người bê quả đám cưới phải là con trai chưa vợ. Đội đón tráp bên nhà gái cũng phải là con gái chưa chồng. Đặc biệt, số người đón tráp phải tương ứng với số nam bưng mâm lễ vật từ nhà trai.

Họ thường là những người được chọn ra từ anh em, bạn bè thân thiết của đôi vợ chồng trẻ. Đội hình bê tráp được chọn phải là những người xấp xỉ tuổi nhau, chiều cao ngang nhau và nếu có thể phải thấp hơn cô dâu và chú rể, có gương mặt khả ái, nét mặt tươi tắn để làm tăng phần tươi vui, trang trọng cho ngày hỷ sự.

3. Trang phục và cách trang điểm

Như trước đây nam giới thường sẽ mặc quần âu tối màu, áo sơ mi trắng, thắt cà vạt đỏ, còn nữ giới sẽ mặc áo dài đỏ tương ứng với màu cà vạt của đội nam, tà áo in chữ hỉ hoặc họa tiết đơn giản, đi kèm giày cao gót.

trang phục bê tráp
Trang phục của đội bê tráp cũng phải được đôi bên gia đình chú ý sao cho đồng bộ, đẹp mắt

Ngày nay, trang phục của đội bê tráp cũng có sự thay đổi cho phù hợp với sở thích của hai nhà. Có gia đình cầu kỳ chuẩn bị sẵn cùng áo the khăn xếp, hoặc chỉ đơn giản là áo sơ mi, quần bò, giày thể thao cho đội nam. Trong khi đó, cô dâu và chú rể cũng mặc trang phục đồng bộ về kiểu dáng nhưng nên khác về màu sắc để có sự phân biệt rõ ràng. Ví dụ, nếu chú rể mặc áo dài thì đội nam bê tráp cũng nên mặc áo dài, nhưng nếu đội nam mặc áo dài màu xanh thì chú rể nên chọn áo dài màu trắng hoặc vàng.

Về việc trang điểm, đội bưng mâm đám cưới của nhà gái cần lưu ý chọn phong cách nhẹ nhàng, tươi tắn nhằm làm nổi bật nhân vật chính là cô dâu. Đội hình đỡ quả bên nhà trai có thể hoặc không cần trang điểm.

4. Tục trao duyên

Nhà trai và nhà gái sẽ thống nhất chuẩn bị tiền lì xì cho đội hình bưng tráp và sau khi tiến hành trao tráp cho nhau thì đội bê tráp của nhà trai sẽ trao phong bì lì xì cho đội đón tráp nhà gái và ngược lại. Nghi lễ này gọi là trao duyên.

tục trao duyên
Trong phong tục bưng quả này còn có một nghi lễ nhỏ gọi là trao duyên

Người xưa quan niệm việc đi đỡ tráp trong đám hỏi sẽ “mất duyên” nên việc trao phong bì lì xì như thế là để “giữ duyên” cho những người bưng quả. Số tiền lì xì chỉ là tượng trưng và không cần quá nhiều. Đây cũng được xem là lời cám ơn của cô dâu chú rể dành cho những người bạn của mình.

Bưng tráp ăn hỏi là một trong những phong tục cưới của người Việt được lưu truyền từ bao đời nay. Để yêu cầu dịch vụ trang trí tráp ăn hỏi và dịch vụ bê tráp chuyên nghiệp của Thanh Hà Wedding, mời bạn gọi tới số hotline 0983.722.870 để được tư vấn cụ thể từ ngay hôm nay.